TIN TỨC

CÁI TÂM- CÁI ĐỨC CỦA NGƯỜI LÀM NGHỀ DỊCH THUẬT

(Cập nhật ngày 28 09 2012)

 nghe dich thuatBất cứ ngành nghề nào trong xã hội điều quan trọng nhất được nhắc đến là cái tâm và cái đức của chúng ta với ngành nghề đó. Ngành dịch thuật cũng vậy! Cái tâm, cái đức của những biên dịch, phiên dịch viên chính là kim chỉ nam để mang đến hiệu quả trong công việc. Đây cũng là điều tối cần đối với mỗi công ty dịch thuật để tạo nên uy tín, chất lượng và thương hiệu riêng của mình. 

Khách hàng đến với mỗi công ty dịch thuật  đều có một điểm chung là: Mong sao bản dịch của mình được chuyển ngữ một cách hoàn hảo nhất, hoàn hảo tới mức người đọc hay nghe bản dịch có cảm giác như được đọc và nghe nguyên tác vậy. Đó cũng là tiêu chí của mỗi biên dịch, phiên dịch viên luôn hướng tới. Nhưng để có được điều đó, người làm công tác dịch thuật phải luôn chú trọng trau dồi bản thân mình mỗi ngày. Sự trau dồi đó được thể hiện ở hai chữ Tâm và Đức. Nếu có được hai điều này thì uy tín của người dịch thuật sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Chúng ta cứ thử hình dung xem: Một bản hợp đồng quan trọng tiền tỉ mà bị chuyển ngữ sai dù chỉ một câu thôi, thì hậu quả sẽ khôn lường biết nhường nào? Một câu nói dù là xã giao của khách hàng với nhau mà chúng ta phiên dịch một cách cẩu thả gây ra sự hiểu nhầm thì chuyện gì sẽ xảy đến? Những người dịch thuật công tâm không bao giờ để chuyện đó xảy ra. Cái tâm và cái đức của người làm nghề dịch thuật được thể hiện từ trong những tiểu tiết tưởng chừng như rất nhỏ ấy. Đây cũng là điều mà khách hàng mong đợi nhất.

Cái tâm ở đây trước hết là sự yêu nghề, tâm huyết với nghề dịch thuật. Thứ đến là tinh thần làm việc công tâm, luôn nỗ lực hết mình để làm công việc một cách nghiêm túc, chỉn chu nhất. Hay nói đúng hơn là làm việc với hết khả năng của mình, luôn cháy hết mình vì khách hàng và công việc. Người dịch thuật không bao giờ được phép chủ quan, cẩu thả hay lười biếng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ví như trong quá trình biên dịch một tài liệu khoa học kỹ thuật đòi hỏi phải dùng những thuật ngữ chuyên ngành chính xác nhưng người biên dịch chỉ dịch qua loa đại khái mà không tra từ điển. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả là bản dịch đó sẽ không thể truyền tải được hết nội dung của nguyên tác. Dù chỉ là sự chủ quan trong những chi tiết nhỏ nhưng hậu quả của nó sẽ gây ra những thiệt hại rất lớn cho khách hàng. Bên cạnh đó sự nóng vội, không suy nghĩ chín chắn trước khi đặt bút biên dịch hay mở lời phiên dịch cũng là nguyên nhân của những sai lầm. Bởi vậy đức tính cẩn thận chính là một yếu tố không thể thiếu để hoàn thiện cái tâm, cái đức của người công tác trong ngành dịch thuật.

Nghề dịch thuật là một nghề vất vả và đòi hỏi rất nhiều tâm huyết của các biên dịch, phiên dịch viên. Họ luôn phải lao động một cách nhiệt tình nhất trên từng câu văn, từng con chữ để mang đến hiệu quả cao nhất cho bản dịch hay lời dịch. Trong nhiều trường hợp người dịch thuật phải đắn đo suy nghĩ để lựa chọn ngôn từ, văn phạm chuẩn xác sao cho phù hợp và hay nhất. Dẫu vẫn biết rằng có thể dùng một sự thay thế  là những câu, từ đơn điệu, hời hợt tránh mất nhiều thời gian nhưng những người dịch thuật có tâm và đức không bao giờ làm như vậy. Sự lựa chọn trong từng câu chữ phải luôn là sự lựa chọn tối ưu nhất để mang đến hiệu quả cao nhất cho từng bản dịch của khách hàng.

Trong quá trình dịch thuật, các dịch giả có thể nhận thấy đôi chỗ yếu kém ở nguyên tác, họ rất muốn thêm hoặc bớt câu chữ để làm cho bản dịch hay hơn. Trên một khía cạnh nào đó chúng ta có thể nhìn nhận đó là sự công tâm của những dịch giả nhưng điều đó thật sự không cần thiết. Bởi vì chúng ta phải luôn tôn trọng nguyên tác của bản dịch, làm sao để truyền tải nguyên tác một cách khách quan và chính xác nhất. Đấy mới là điều mà mỗi khách hàng luôn luôn mong đợi. Điều này còn thể hiện sự tôn trọng của dịch giả đối với tác giả. Từ đây ta có thể nhận thấy một điều: Cái tâm, cái đức trong nghề dịch thuật là rất quan trọng và cần thiết nhưng chúng ta phải luôn tỉnh táo để cái tâm, cái đức ấy đi đúng hướng và đúng mực nhằm mang đến sự hiệu quả cho mỗi bản dịch.

Từ hàng trăm năm trước đại thi hào Nguyễn Du đã từng nói: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Thế mới biết cái tâm và cái đức quan trọng đến như thế nào? Một công ty phiên dịch luôn làm việc bằng cái tâm và cái đức đối với mọi khách hàng thì chắc chắn công ty đó sẽ phát triển bền vững. Nhất là trong thời kỳ suy thoái kinh tế hiện nay, nhiều công ty đang bất chấp cả lương tâm nghề nghiệp của mình để chạy theo lợi nhuận thì cái tâm và cái đức kia càng được đề cao, trân trọng hơn nữa. Ông cha ta cũng từng đúc kết rằng “ Có đức mặc sức mà ăn”. Đó là một câu nói rất bình dị và dân dã nhưng đã thể hiện hết hiệu quả của việc dùng tâm và đức trong công việc. Tuy nhiên đối với những biên dịch, phiên dịch viên ngoài việc trau dồi tâm, đức còn phải trau dồi tài năng và kiến thức nữa thì mới đủ để hoàn thành mọi bản dịch một cách hoàn hảo nhất. Gieo nhân nào, gặt quả ấy. Nếu chúng ta luôn gửi gắm hết tài và đức của mình vào từng bản dịch thì kết quả đến với chúng ta là những thành công to lớn và lợi nhuận lâu dài.

Các bài viết trên được các nhân viên của Phiên dịch chuyên nghiệp quốc tế viết trong những chuyến công tác, làm việc thực tế. Chính vì vậy xin tôn trọng quyền tác giả và ý thức ghi rõ nguồn trước mọi hình thức sao chép nội dung. Phiên dịch chuyên nghiệp quốc tế xin chân thành cảm ơn.

Nguồn: Tác giả: Lê Hòa