TIN TỨC

Dịch giả chuyên nghiệp phải biết nghi ngờ và biết sợ

(Cập nhật ngày 15 05 2013)

 Hồ Đắc Túc, tiến sĩ ngôn ngữ học xã hội đại học Monash (Úc), từng giảng dạy ngôn ngữ tại đại học Deakin (Úc), là tác giả của cuốn Dịch thuật và tự do, một cẩm nang về dịch thuật học quan trọng và hữu ích. Ông đảm nhiệm dự án Giáo dục Việt Nam năm 2001 do ngân hàng Thế giới tài trợ, và hiện là giảng viên và cố vấn chương trình của đại học Trà Vinh. 

 TS Hồ Đắc Túc đã dành cho phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị cuộc trao đổi cởi mở, như một góc nhìn chuyên môn về những tranh luận dịch thuật đang thành thời sự trên báo chí Việt Nam.

Từng giảng dạy dịch thuật học tại đại học Úc, hẳn ông có quan tâm đến đời sống phê bình dịch thuật ở phương Tây? Theo quan sát của ông thì phê bình dịch thuật, cụ thể hơn, việc mổ xẻ chất lượng dịch phẩm trong một đời sống học thuật có nền tảng và tự do, người ta thường nói với nhau những điều gì?

Tôi quan sát “vừa vừa” chứ không quan tâm – theo nghĩa theo dõi sát sao – những phê bình dịch thuật ở các nước nói tiếng Anh và châu Âu. Mục đích coi có gì lạ (và hay) không, để nói lại cho sinh viên. Những cái tôi chọn để theo dõi cũng phải hợp khẩu vị sinh viên, nghĩa là các khuynh hướng và cách dịch dễ áp dụng. Tôi gạt phắt những trào lưu mà tôi cho là vô dụng, không giúp ích gì cho việc dạy và dịch, chẳng hạn khuynh hướng phân tích bản dịch dưới nhãn quan “giải cấu trúc” (deconstruction), hay ứng dụng thuyết Trò chơi (Game theory) trong dịch thuật.

Tuy vậy cũng thấy có một điểm chung là người ta không tra từ điển để phê bình dịch thuật, họ nói đến cách nhìn một bản dịch dưới góc nhìn học thuật nào đó và trong một lĩnh vực đặc thù nào đó. Thí dụ dưới nhãn quan chức năng thì bản dịch phải như thế này, trong lĩnh vực giải trí hay truyền thông thì nên dịch như thế kia. Chính vì vậy học giả và dịch giả các nước này biết rất rộng, biết đặt và liên kết đối tượng (bản dịch) trong trường phái dịch thuật và lĩnh vực chuyên môn nào. Hoặc có khi người ta bất kể phương pháp dịch, khi bàn một vấn đề hay bản dịch nào đó, họ nhìn dưới nhãn quan đạo đức dịch thuật, chẳng hạn.

Trong các cuộc tranh luận về dịch thuật gần đây tại Việt Nam, dường như người ta quá chú tâm quy về “đạo đức dịch thuật” của dịch giả thông qua việc tra lỗi các bản dịch mà thiếu vắng những góc nhìn học thuật, những tuyến tranh luận có tính trường phái, phương pháp?

Tôi không chắc là hoàn toàn thiếu vắng không vì không đọc hết những phê bình gần đây ở Việt Nam. Nếu thiếu vắng như anh nói thì hy vọng từ từ chúng ta sẽ tiến tới cách tranh luận đó, và giả sử có thiếu vắng thực sự thì có lẽ do chúng ta chưa có nhiều sách giáo khoa, tài liệu Việt ngữ về dịch thuật. Cách đào tạo dịch thuật trong đại học cũng chỉ mới chú tâm dạy xử lý câu – chữ, dịch sao cho đúng là… mừng rồi. Người ta chưa chú ý dạy các phương pháp dịch vượt lên trên ngôn ngữ, chưa dạy sinh viên coi ngôn ngữ chỉ là một công cụ để chuyển tải.

Ông đã dành nguyên chương 4 (40 trang) trong cuốn Dịch thuật và tự do để nói về “Giới hạn và sáng tạo trong dịch văn chương”. Trong đó, ông trình bày rất rõ ràng về vấn đề đơn vị dịch (chữ, câu, văn bản, ngôn dụng), và đâu là quyền, sự tự do sáng tạo và chọn lựa của người dịch thuật tác phẩm văn chương. Nắm vững những hệ thống lý thuyết đó, người làm phê bình dịch thuật sẽ tránh sa vào trường hợp bắt lỗi theo kiểu tra từ điển hay bới móc cá nhân; có cái nhìn đa dạng hơn về sáng tạo của người dịch và bản thân dịch giả cũng tránh vướng vào những tranh cãi không đáng...

Anh đọc kỹ thế à! Trong chương bàn về dịch văn chương, ý chính là trước khi dịch, chúng ta cần chọn một cái sườn, rồi men theo cái sườn đó để dịch. Cái sườn đó có thể là câu, hay đoạn: chọn câu hay đoạn làm đơn vị dịch ngắn nhất để cứ thế mà… phang! Không ai chọn chữ làm đơn vị dịch. Cũng như không ai nghe một bản giao hưởng mà cứ săm soi từng nốt nhạc, phải nghe toàn bộ sự liên kết của các nốt làm nên giai điệu.

Với dịch văn chương, nói rõ là dịch các thể loại văn xuôi, cá nhân tôi chọn bầu không khí của chuyện làm sườn. Giọng văn của lính thì phải dịch cho ra lính, giọng văn của một ông già sắp chết thì ráng làm sao chuyển cho ra tiếng khò khè mệt nhọc. A, câu này liên quan đến câu hỏi thứ nhất của anh đây: các học giả bên ngoài họ bàn rằng dịch giả có nên có giọng văn riêng, hay dịch giả là người vô hình, giấu mình đi, và nên tuỳ bản dịch có giọng văn nào thì nương theo giọng văn đó mà dịch.

Người ta thường bàn đại loại như thế chứ chưa thấy bắt bẻ dựa trên từ điển. Muốn có cái nhìn như anh nói, người dịch cần biết nhiều các lý thuyết dịch thuật, chọn cho mình một hay nhiều lý thuyết để xử lý. Trong văn chương còn có thơ, kịch, cái này thì nhiêu khê lắm, thí dụ làm sao để dịch một chuyện tiếu lâm, rồi thơ thì nên dịch ý hay dịch câu, vân vân.

Vậy theo ông, nếu là người dịch sách văn học, để đạt đến sáng tạo tự do trong công việc, cần đảm bảo những điều kiện cơ bản nào?

Tôi nghĩ có một vài điều kiện cần và đủ. Trước hết phải biết tác giả nguyên tác là ai (đã có tác phẩm nào chưa, chuyên viết thể loại gì hay học hành tới đâu). Biết về tác giả giúp ta mường tượng phần nào phong cách dụng ngữ trong nguyên tác. Thứ hai phải biết các lý thuyết dịch để căn cứ theo phong độ của tác giả, chọn một lý thuyết dịch phù hợp nhằm xử lý ngôn ngữ đúng với khẩu vị tác giả (và cả thị hiếu người đọc). Thứ ba là phải biết không khí truyện (hay thơ) và cách hành văn. John Steinbeck viết văn mà giai điệu lắm khi như thơ, khi dịch ráng chuyển cách dụng ngữ ấy. Thứ tư phải biết nghi ngờ. Nghi ngờ đồng nghĩa cẩn trọng. Một chữ hay cụm từ, một cách nói thông thường có khi nghĩa khác hẳn trong bối cảnh nào đó. Một chữ hay cách nói lạ thì phải tra cứu là đương nhiên rồi, nhưng cả khi một cách nói hết sức bình thường nhưng trong một bối cảnh nào ấy lại có nghĩa khác hẳn. Nói chung, phải biết sợ cả những chữ và những cách nói thông thường.

Tôi nghĩ một khiếm khuyết tất nhiên của vài dịch giả là không hiểu hay chưa sống bối cảnh xã hội của tác giả nguyên tác, cứ căn cứ theo chữ mà dịch nên rất dễ lệch ý hay sai hẳn ý nguyên tác. Khi chúng ta nắm vững lý thuyết, biết tác giả là ai, biết “sợ”, chúng ta sẽ mạnh tay dịch một cách phóng khoáng. Đặc biệt khi dịch tựa đề, đã tự trang bị những kiến thức và kỹ năng trên, chúng ta sẽ phóng bút mà dịch chứ không phải câu nệ dịch sát rạt cái tựa nghe rất chán. Dịch sáng tạo là trong nghĩa ấy, chúng ta chọn chữ (sáng tạo chứ còn gì nữa) nhưng không làm mất cốt tuỷ của nguyên tác. Lại đụng câu hỏi thứ nhất của anh: người ta bàn có nên thêm chữ ở tựa đề, chẳng hạn, hay phải giữ nguyên? Có nên giữ nguyên số câu thơ trong bài thơ nguyên tác hay nên “phăng” thêm cho rõ ý? Khi nói “có nên” là hàm ý sự lựa chọn tuỳ dịch giả, chính là sự tự do (phóng bút) của dịch giả sau khi đã cân nhắc các cách dịch. 

Chỉ có hai vấn đề chính trong dịch văn chương: nên tôn trọng nguyên tác hay nên phục vụ đối tượng đọc bản dịch.

Nói hết sức tổng quát, chỉ có hai vấn đề chính trong dịch văn chương: nên tôn trọng nguyên tác hay nên phục vụ đối tượng đọc bản dịch. Nếu tôn trọng nguyên tác thì giữ cấu trúc và cả những cách nói hay hình ảnh trong nguyên tác dù chiến lược dịch ấy có thể khiến người đọc khó chịu. Ngược lại, nếu muốn người đọc dịch phẩm cảm thấy gần gũi thì có thể Việt hoá một số khái niệm hay cách viết xa lạ. Hai cách dịch ấy anh bảo cái nào đúng, cái nào sai? Khi chúng ta đã tự trang bị phần cứng (gồm ít nhất bốn điểm nói trên), chúng ta sẽ vững tâm dịch. Còn phê bình tranh luận là chuyện… của người khác. 

Và sẵn lòng đương đầu với búa rìu từ những “chiến tuyến” khác? Nhất là trong một đời sống ngành dịch thuật học còn hoang sơ, thì những dịch giả đáng trọng cũng không tránh được chuyện một lúc nào đó, trở thành nạn nhân của chính mình?

Dịch là có lỗi à. Có khi lỗi vì sức khoẻ yếu kém nữa. Mắt mũi kèm nhèm như tôi nhiều khi dịch sót một vài chữ là chuyện thường. Nhưng nếu đã dịch thì phải tôn trọng người đọc, ráng hết sức để bản dịch hoàn chỉnh, không được bỏ những đoạn khó dịch (dù độc giả không biết), không hiểu hoàn toàn một chữ một câu thì phải hỏi, đừng dịch bừa cho xong. Nếu biết nghi ngờ và cẩn trọng như thế thì làm sao mà thành nạn nhân của chính mình được. Nhỡ có thành “người bệnh”, thì nên nhận là “vâng, tôi là bệnh nhân, cám ơn các bạn chỉ bày”.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay thu nhập từ nghề dịch văn chương còn thấp. Và điều này ảnh hưởng đến độ chuyên nghiệp, chất lượng dịch phẩm. Theo ông, thế nào là dịch giả chuyên nghiệp?

Chuyên nghiệp là sống được bằng nghề của mình. Ở Việt Nam chắc chắn có dịch giả chuyên nghiệp như ông Phạm Viêm Phương chẳng hạn. Nếu bỏ khía cạnh kinh tế đi thì dịch giả chuyên nghiệp là người thận trọng với chữ nghĩa, biết suy luận, biết cách tìm hiểu những vấn đề mình chưa biết, và có đạo đức trong dịch thuật: không dịch tác phẩm nhảm nhí (như bói toán), tôn trọng người đọc, không “hù” người đọc bằng những cái không có trong nguyên tác.

Có người nói, những bắt bẻ dịch thuật gần đây có tính tích cực là sẽ làm cho các dịch giả, đơn vị xuất bản cẩn trọng hơn. Nhưng có ý khác nói rằng, nếu dịch sách mà bị soi kiểu đó thì còn ai làm cái công việc công phu đó. Ông đứng về quan điểm nào?

Đơn vị xuất bản càng cẩn trọng càng tốt để tạo và giữ uy tín. Săm soi cũng tốt nhưng phải biết săm soi cái gì. Người săm soi (chắc ông có ý nói các nhà phê bình) nên ở trong nghề, biết việc, do vậy khi phê bình cũng nên có mục đích, phê bình để làm gì, để người dịch cẩn thận hơn, để độc giả biết vàng thau hay để thoả mãn thị hiếu của riêng mình. Khi nhà phê bình biết nhiều quan điểm dịch thì họ sẽ nói năng nhẹ nhàng hơn.

Giáo sư và tiểu thuyết gia Ý Umberto Eco nói đại ý một bản dịch hoàn hảo là một giấc mơ bất khả. Nhưng liệu cách nào, lý tính để người đọc căn cứ vào đó đánh giá độ tối ưu của bản dịch?

Umberto Eco chủ trương dịch là cuộc thương lượng giữa hai nền văn hoá chứ không chỉ là sự trao đổi thuần tuý giữa hai hệ ngôn ngữ. Ý tưởng này không mới, nhưng trong cuốn Mouse or rat?, ông cho thấy nỗi “đau khổ” của một tác gia biết nhiều ngôn ngữ (như ông ấy), thấy tác phẩm của mình được dịch ra một ngôn ngữ khác mà mình cũng biết, và không như ý mình. Vậy là “giấc mơ bất khả”. Độc giả biết ngôn ngữ nguyên tác và dịch phẩm thì việc đánh giá không khó. Với độc giả chỉ biết một ngôn ngữ (đích), chắc phải nhờ nhà phê bình, và cụ thể hơn nên đọc lời giới thiệu của chính dịch giả giới thiệu dịch phẩm đó. Tôi nghĩ một dịch phẩm được chính dịch giả giới thiệu cũng là một tiêu chí để độc giả đánh giá.

Một thực tế là giữa lúc chúng ta đang trao đổi làm sao để có bản dịch tốt, người đọc đang rất hoang mang. Họ có công cụ nào để thoát khỏi những hoang mang?

Chính tôi đọc một dịch phẩm cũng có khi hoang mang nếu không rõ nguyên tác là gì và mình không biết dịch giả là ai. Nếu không biết nguyên tác, tôi thường xem cách hành văn của dịch giả, vốn từ vựng được dịch giả dùng trong dịch phẩm, khi thấy một khái niệm hay câu chữ nào “kỳ kỳ”, thì tôi… google!

Văn mình vợ người, nhà văn ít chịu nhau là chuyện thường, giới dịch thuật có vẻ còn “khó ở” với nhau hơn? Vì sao vậy?

Vợ mình thấy ít đẹp tại gặp nhau hoài à. Lâu lâu xa nhau dăm ba bữa về nhà thấy vợ mình vẫn đẹp chứ! Thực ra “đồng khí tương cầu”, nhà văn hợp tính nhau thì còn thân hơn anh em ruột. Người làm nghề dịch cũng vậy thôi, đã hợp tính thì quấn rít lấy nhau, mà muốn vậy thì phải thấy một sự thật là ai cũng có thể dịch hay hơn mình (kể cả học trò) nếu được học hành đàng hoàng. Khi đó thì dù có được coi là “dịch giả thứ thiệt” cũng không “sửa tướng”, không lớn tiếng, hoà thuận vui vẻ thôi.

Nguồn: NGUYỄN VĨNH NGUYÊN