TIN TỨC

Những Câu Chuyện Của Phiên Dịch Viên Trong Làng Túc Cầu.

(Cập nhật ngày 11 12 2012)

Trong số các đội bóng từng đến Việt Nam trong vòng 20 năm trở lại đây, Olympic Brazil là vị khách mời "hoành tráng" nhất. Đến Hà Nội tháng 7-2008, Olympic Brazil mang theo đội hình mạnh nhất để phục vụ mục tiêu giành HCV Olympic Bắc Kinh, có đầy đủ những ngôi sao sáng giá nhất như Ronaldinho, Pato, Marcelo, Diego, Lucas hay Jo. Họ tỏ rõ tính chuyên nghiệp, đến "vùng trũng" bóng đá nhưng nghiêm túc coi đó là cơ hội để rèn quân trước ngày hội bóng đá lớn.

phien dich trong bong da


Việt Nam đón khách, để tìm được một phiên dịch tiếng Anh cho Olympic Brazil là việc không khó, vì Phòng Quan hệ quốc tế hay Phòng các ĐTQG của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) có rất nhiều nhân viên có thể đảm nhận công việc này, bằng chứng là trong vòng 5 năm qua đã có 2 nhân viên của VFF chuyển sang Malaysia làm việc chính thức cho LĐBĐ Châu Á (AFC), nên có thể nói VFF là một trong những Liên đoàn thể thao có mặt bằng ngoại ngữ tốt nhất của thể thao Việt Nam.

Tuy nhiên, không phải bất cứ thành viên nào của Olympic Brazil cũng thông thạo tiếng Anh, vì tiếng Bồ Đào Nha mới là ngôn ngữ sử dụng chính thức ở Brazil, nên VFF bắt buộc phải tìm thêm một phiên dịch tiếng Bồ Đào Nha, bên cạnh một phiên dịch tiếng Anh vốn là nhân viên của VFF. Lúc ấy, Quỳnh Hoa, cô cử nhân mới tốt nghiệp khoa tiếng Bồ Đào Nha của trường ĐH Hà Nội đã nhờ người quen giới thiệu để xin làm phiên dịch cho VFF, vì Quỳnh Hoa vốn là một cổ động viên (CĐV) cuồng nhiệt của bóng đá Brazil.

Nhờ có nhiều kinh nghiệm phiên dịch cho du khách Brazil, và đặc biệt là lần đảm nhiệm vai trò phiên dịch trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Brazil nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva hồi tháng 6-2008, nên hồ sơ ứng thí của Quỳnh Hoa nhanh chóng được phê duyệt, và cô chính thức trở thành phiên dịch của đội Olympic Brazil trong suốt thời gian đội bóng này lưu lại Hà Nội. Lúc ấy, tháp tùng đội tuyển Olympic Brazil là đội ngũ phóng viên hùng hậu, và khi đến Hà Nội, đội bóng này lại như một cục nam châm thu hút hàng trăm cơ quan truyền thông quốc tế khác nữa, nên công việc của Quỳnh Hoa trong những ngày ấy cực kỳ bận rộn. Hồi hộp, lo lắng cũng có dù Quỳnh Hoa từng rất nhiều lần được xuất hiện trên các tờ báo nổi tiếng cùng những ngôi sao bóng đá Brazil.

Nhìn vào danh sách Olympic Brazil lúc ấy ít ai biết rằng, dù đang được đánh giá là một trong những cầu thủ trẻ xuất sắc nhất của bóng đá thế giới cũng như của giải VĐQG Italia Serie A, nhưng cầu thủ điển trai Pato lại nhút nhát đến thế trước sự đón tiếp rầm rộ của báo chí và người hâm mộ Việt Nam sau trận giao hữu giữa ĐTVN và Olympic Brazil. Ngồi trên bàn họp báo nhưng Pato liên tục liếc mắt sang nhìn ông Rodrigo Santos Paiva, trợ lý ngôn ngữ của LĐBĐ Brazil cùng đi với Olympic Brazil, rõ sự lúng túng. Pato còn liên tục thì thầm với Quỳnh Hoa, rằng "chỉ được nói tiếng Bồ Đào Nha thôi nhé!" dù Quỳnh Hoa lúc ấy cũng run chẳng kém. Cô phiên dịch cũng dặn đi dặn lại Pato đúng một câu: "Nhớ nói chậm thôi đấy nhé!". Cuối cùng thì buổi họp báo nói riêng cũng như trận đấu giao hữu giữa Đội tuyển Việt Nam và Olympic Brazil đã diễn ra hết sức tốt đẹp. Điều ít ai biết, là dù luôn sát cánh cùng các ngôi sao bóng đá Brazil suốt chừng ấy ngày nhưng không một lần Quỳnh Hoa đề nghị các thần tượng cho xin chữ ký hoặc bất cứ món quà lưu niệm nào. Chỉ đến trước khi đội Olympic Brazil lên máy bay rời khỏi Hà Nội, HLV trưởng Olympic Brazil khi ấy là Carlos Dunga đã chủ động đề nghị tặng cho Quỳnh Hoa và một phiên dịch tiếng Anh của VFF chiếc áo đấu có chữ ký của toàn bộ các ngôi sao Olympic Brazil, coi đó như món quà tri ân đối với những nỗ lực của các phiên dịch Việt Nam trong suốt thời gian đội bóng Samba có mặt ở Hà Nội.

Chuyện ấy, giản dị mà ấm áp, cho thấy nhiều điều thú vị ở hậu trường bóng đá.

 

Nguồn: